Ngày 22/11, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị triển khai Bộ Tiêu chí giám sát đánh giá về cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020 cho 100 đại biểu đến từ Sở NN&PTNT, Cục Thống kê của 35 tỉnh khu vực phía Nam.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo liên ngành tái cơ cấu nông nghiệp đã giới thiệu về Bộ Tiêu chí giám sát đánh giá cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến 2020, Kế hoạch cơ cấu lại ngành giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời hướng dẫn chi tiết các tiêu chí của Bộ Tiêu chí (từ cách hiểu, cách tính, đơn vị đầu mối tổng hợp, tính toán…).
Theo bà Hồng, ngày 19/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 678/QĐ-TTg phê duyệt Bộ Tiêu chí giám sát, đánh giá về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gồm 15 tiêu chí, được tính toán cho phạm vi cả nước và mỗi vùng kinh tế, sinh thái. Bộ Tiêu chí nhằm mục đích thống nhất một phương pháp giám sát quá trình thực hiện và đánh giá kết quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương; tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Đề án trong toàn ngành.
Trên cơ sở đó, ngày 21/8/2017, Bộ trưởng đã ký Quyết định số 3449/QĐ-BNN-KH ban hành Kế hoạch hành động của Bộ triển khai Bộ Tiêu chí, với các nội dung sẽ triển khai ngay trong năm 2017 và từ năm 2018 đến 2020. Một trong những nội dung trọng tâm cần thực hiện ngay trong năm 2017 là tổ chức hướng dẫn về cách hiểu, cách tính và tổ chức thu thập số liệu để tính toán các tiêu chí đã được phê duyệt.
Các tiêu chí vừa đánh giá được quá trình cơ cấu lại ngành, vừa thể hiện được kết quả thực hiện. Các tiêu chí phản ánh kết quả của mục tiêu cơ cấu lại theo 3 trụ cột về kinh tế, xã hội và môi trường: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho dân cư nông thôn; Khắc phục những bất lợi của điều kiện tự nhiên, thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH, bảo vệ môi trường. Các tiêu chí đánh giá quá trình: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi: tiêu chí tốc độ tăng thu nhập của từng lĩnh vực; nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm thông qua áp dụng khoa học công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng: tỷ lệ áp dụng quy trình GAP, tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm nước (TC11); chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi: tỷ lệ giá trị sản phẩm NLTS được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết.
Theo Vụ Kế hoạch, phần lớn các tiêu chí này mới và chưa có trong hệ thống các chỉ tiêu thống kê của quốc gia hay của ngành. Nhiều tiêu chí có thể tính toán thông qua các cuộc điều tra thống kê đã có hoặc các tiêu chí tương tự, có liên quan. Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức Hội nghị này rất cần thiết trong điều kiện các địa phương đều đang lúng túng trong tổ chức triển khai Bộ Tiêu chí này. Nhiều ý kiến chuyên ngành về thống kê đến từ đại diện lãnh đạo các Cục Thống kê các địa phương, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng trong tỉnh, phân công cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị, từ trung ương đến địa phương để thực hiện đồng bộ và có tính khả thi cao./.
Nguồn tin: Bộ NN&PTNT