Hậu kiểm vệ sinh an toàn thực phẩm: Vi phạm sẽ bị xử lý nặng hơn

Hậu kiểm vệ sinh an toàn thực phẩm: Vi phạm sẽ bị xử lý nặng hơn

Hậu kiểm vệ sinh an toàn thực phẩm: Vi phạm sẽ bị xử lý nặng hơn

Hậu kiểm vệ sinh an toàn thực phẩm: Vi phạm sẽ bị xử lý nặng hơn
Sáng 14/12, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã họp tổng kết công tác an toàn thực phẩm năm 2017, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018.

24 người tử vong vì ngộ độc thực phẩm

Theo báo cáo của Bộ Y tế, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, trong năm 2017, cả nước đã thành lập trên 23.400 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 625.060 cơ sở, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm, xử lý 32.579 cơ sở, trong đó 19.208 cơ sở bị phạt trên 61 tỷ đồng, 611 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, trên 5.000 cơ sở phải tiêu hủy sản phẩm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài việc thanh, kiểm tra theo kế hoạch, các bộ, ngành đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành, phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2017, kết quả giám sát trên diện rộng do Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật thực hiện cho thấy không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm salbutamol trong hơn 8.000 mẫu nước tiểu, 1.000 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ.

Năm 2017, công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm tiếp tục được quan tâm, tập trung vào thông tin, truyền thông để thay đổi hành vi phòng chống ngộ độc thực phẩm cho các đối tượng nguy cơ; giám sát phát hiện, cảnh báo sớm nguy cơ, cảnh báo phòng chống ngộ độc thực phẩm cho cộng đồng, tập trung vào giảm số mắc trong ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể; giảm số vụ, số tử vong tại bếp ăn gia đình, do rượu, nấm độc; kiểm soát phòng chống ngộ độc thực phẩm, trọng tâm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm tại khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố.

Trong 11 tháng năm 2017, toàn quốc ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm làm 3.869 người mắc, 3.700 người đi viện và 24 trường hợp tử vong.

So với cùng kỳ năm 2016 giảm 27 vụ, giảm 438 người mắc, tuy nhiên số người tử vong tăng 12 người. Nguyên nhân tử vong tăng chủ yếu do ngộ độc methanol trong rượu (11 người), độc tố tự nhiên (10 người), 3 trường hợp còn lại chưa xác định được nguyên nhân.

Băn khoăn nhân lực cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành

Băn khoăn về vấn đề nhân lực, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm này chưa có văn bản chính thức về tăng cường lực lượng thanh tra chuyên ngành ở tuyến quận, huyện, phường, xã và cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về cán bộ thường trực về an toàn thực phẩm tại tuyến phường, xã.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng băn khoăn về thẩm quyền xử phạt và tổ chức của loại hình thanh tra này. Trả lời của Thanh tra Chính phủ cho tới nay vẫn chưa ngã ngũ được vấn đề thẩm quyền.

“Chúng tôi chưa được công nhận như một thanh tra nhà nước của các sở, ngành tương đương. Trong khi theo quy chế, Ban là một cơ quan tương đương với sở và trực thuộc ủy ban nhân dân thành phố. Chính vì vậy, vấn đề thanh tra, kiểm tra về xử phạt và lên kế hoạch rất khó. Bản thân tôi phải đích thân ký tất cả các quyết định xử phạt, Trưởng phòng Thanh tra không có thẩm quyền như Chánh thanh tra, vì vậy gây ra một số khó khăn”, bà cho hay.

Đồng tình với việc sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP (hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm) theo hướng chuyển sang hậu kiểm, bà Phạm Khánh Phong Lan đề nghị phân định rạch ròi việc hậu kiểm và thanh tra, làm rõ quy chế hậu kiểm, hiện hậu kiểm không có quyền xử phạt.

Theo quy định, một doanh nghiệp không bị thanh tra quá một lần trong một năm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận, hiện nay nếu áp dụng theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cơ chế hậu kiểm là chưa xử lý vi phạm được.

Nghị định này đang được sửa đổi theo hướng sản phẩm đã công bố mà làm không đúng sẽ bị xử lý, sản phẩm đã kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn mà không đạt được theo chỉ tiêu đó sẽ xử rất nặng và rút ngay giấy phép; hình thức xử lý tới đây sẽ nặng hơn rất nhiều.

Cũng quan tâm đến vấn đề nhân lực, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu bày tỏ lo lắng khi thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, đội ngũ thanh tra viên và kiêm nhiệm của thành phố đang là 500 người.

Ông Nguyễn Văn Sửu cho biết, năm 2017, số tiền xử phạt về an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố lên đến 36 tỷ đồng (tăng 8 tỷ đồng so với năm 2016).

Toàn cảnh cuộc họp. (Ảnh: TTXVN)

Hà Nội đẩy mạnh thực hiện thủ tục cấp giấy đảm bảo an toàn thực phẩm trực tuyến cấp độ 3, 4; xử lý các lỗi vi phạm ngay tại chỗ, tăng tính răn đe; triển khai các đề án về cửa hàng rau hoa quả; khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đăng ký sản phẩm…

Thay thế Nghị định 38 – một cuộc đổi mới tư duy

Phân tích hai nhóm vấn đề khi thay thế Nghị định 38, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, dự thảo Nghị định thay thế thể hiện rất cụ thể cách làm theo khuyến nghị của thế giới, nhưng khi thực hiện rất khó khăn.

Thứ hai là liên quan đến nguyên tắc làm việc, Chính phủ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi. Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm có trách nhiệm “gác gôn” bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Đây là một cuộc đổi mới tư duy, cũng giống như quá trình đổi mới, cũng cọ sát, cũng vật lộn. Kết quả làm có những tiến bộ nhưng cũng còn có những việc không thể một lúc, một chốc mà làm được. Vậy chúng ta phải đề ra những nội dung mà làm, quan trọng là phải làm có lộ trình và phải tiến lên”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng lưu ý Ban Chỉ đạo rút kinh nghiệm trong công tác truyền thông, thống nhất cách thức tuyên truyền bởi đây là việc làm lâu dài, phải có những bước đi chắc chắn, không nên để nóng lên, xã hội hiểu lầm.

Theo Phó Thủ tướng, phải tăng cường các giải pháp đồng bộ, làm sao để sản xuất sạch là vấn đề rất chiến lược.

Thời gian tới, cần tập trung vào các vấn đề quản lý thức ăn đường phố, thức ăn trong chợ; kiểm soát hàm lượng các hóa chất, kháng sinh trong thực phẩm; kiểm soát các lò mổ; kiểm tra, siết chặt các hộ chuyên kinh doanh cỗ cưới…

Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo ban hành chương trình sức khỏe Việt Nam, theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), trong đó quy định cả vấn đề về dinh dưỡng, nhất là chương trình sữa học đường, lồng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Năm 2018, tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra. Thực hiện nghiêm quy định về hậu kiểm nhưng phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, những gì không cần thiết phải bỏ theo đúng thông lệ quốc tế./.

Nguồn tin: TTXVN/ Vietnam+

Chia sẻ bài viết này
CÔNG TY TNHH MTV CHĂN NUÔI TÁM DO
CÔNG TY TNHH MTV CHĂN NUÔI TÁM DO
CÔNG TY TNHH MTV CHĂN NUÔI TÁM DO